Điểm danh các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần biết

Theo dõi sức khỏe thai nhi định kỳ là một phần quan trọng giúp bảo vệ con yêu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Để bé chào đời khỏe mạnh, mẹ bầu không nên bỏ qua những mốc khám thai quan trọng dưới đây.

1. Vì sao cần theo dõi sức khỏe thai nhi định kỳ?

Khám thai định kỳ đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Thông qua việc thăm khám, bác sĩ có thể đánh giá chính xác sự phát triển của thai nhi, đồng thời theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ. Điều này giúp phát hiện sớm các bất thường để đưa ra giải pháp kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng như sinh non hay tiền sản giật.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ xác định ngày dự sinh, giúp mẹ bầu và gia đình có sự chuẩn bị tốt về mặt tinh thần và vật chất.

Mẹ bầu được siêu âm, làm các xét nghiệm để theo dõi tình hình sức khỏe 2 mẹ con

2. Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần nhớ

Lần khám đầu tiên: ngay khi thử que 2 vạch hoặc chậm kinh 1 tuần

Ở lần khám này, mẹ sẽ được xác định chính xác việc mang thai và độ tuổi thai nhi. Bên cạnh đó, siêu âm sẽ giúp kiểm tra vị trí thai và loại trừ nguy cơ thai ngoài tử cung hoặc thai trứng.

Lần khám thứ 2: từ 7 – 8 tuần

Đây là thời điểm bác sĩ kiểm tra phôi thai và tim thai. Cân nặng và chỉ số BMI của mẹ cũng được theo dõi để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, phòng ngừa nguy cơ thừa cân. Ngoài ra, mẹ bầu sẽ được kiểm tra huyết áp và thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu để phát hiện các vấn đề như cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, và các bệnh truyền nhiễm.

Lần khám thứ 3: từ tuần 11 tuần 5 ngày đến 13 tuần 6 ngày

Lần khám này quan trọng để đo độ mờ da gáy và tầm soát dị tật thai nhi. Mẹ sẽ thực hiện siêu âm 4D và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như Double Test hoặc NIPT để đánh giá nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể.

Lần khám thứ 4: từ tuần 16 – 18

Nếu chưa thực hiện Double Test, mẹ có thể làm Triple Test để tiếp tục sàng lọc dị tật thai nhi. Đây cũng là thời điểm bác sĩ có thể đề nghị chọc ối nếu thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật.

Lần khám thứ 5: từ tuần 20 – 22

Mẹ sẽ được siêu âm 4D để kiểm tra sự phát triển cơ quan nội tạng của thai nhi như tim, phổi, chân tay, và các bộ phận khác.

Lần khám thứ 6: từ tuần 24 – 28

Thời điểm này, mẹ cần kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ thông qua xét nghiệm dung nạp đường huyết. Đồng thời, xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ giúp theo dõi sức khỏe của mẹ và bé. Đây cũng là thời gian mẹ bầu tiêm mũi vắc xin uốn ván đầu tiên.

Lần khám thứ 7: từ tuần 30 – 32

Bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm 4D để kiểm tra các vấn đề về hình thái muộn của thai nhi và đánh giá tình trạng nước ối, ngôi thai, cân nặng. Mẹ cũng cần tiêm vắc xin uốn ván mũi 2 và xét nghiệm nước tiểu để đảm bảo sức khỏe.

Lần khám thứ 8: từ tuần 33 – 40

Trong giai đoạn cuối thai kỳ, siêu âm 2D được thực hiện để kiểm tra các thông số cơ bản như ngôi thai, tim thai, trọng lượng và nước ối. Mẹ bầu cũng cần theo dõi nhịp tim thai và cơn gò để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ.

Từ tuần 35 – 37, xét nghiệm liên cầu khuẩn beta cũng được khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Nếu có các triệu chứng bất thường như đau bụng, ra nước hoặc ra máu âm đạo, mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Lời kết

Việc tuân thủ các mốc khám thai quan trọng sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Thời gian khám có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ bầu, nhưng điều quan trọng là mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top